Tuesday, August 25, 2015

Tác hại của việc uống kháng sinh kéo dài !

       Thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt virus, vi khuẩn nhưng nếu dùng kéo dài sẽ khiến cho cơ thể bị ảnh hưởng, thậm chí nguy hiểm tính mạng. 
         


       Uống thuốc kháng sinh là thói quen mà nhiều người vẫn duy trì. Có người khi thấy hắt hơ, sổ mũi đều tìm đến hiệu thuốc mua kháng sinh, cũng có người cảm thấy đau viêm ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể cũng mua thuốc kháng sinh. Điều đáng nói là nhiều người dùng thuốc kháng sinh như thần dược và thậm chí hàng tuần lễ. Mặc dù dùng như vậy nhưng không hề có sự hướng dẫn của bác sĩ.


         Chị Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) có thói quen sử dụng kháng sinh mỗi khi ốm. Trước đây, chị cũng thường sử dụng các loại lá giải cảm hoặc thuốc Nam để chữa cảm cúm. Tuy nhiên, do thời gian chữa lâu hơn và cảm thấy khó chịu với những triệu chứng cảm cúm kéo dài cả tuần lễ. Cho nên, chị Trang đã chuyển sang dùng thuốc kháng sinh mỗi khi có triệu chứng ốm.

 


         "Mỗi khi thấy viêm họng hay hắt hơi đoán là bị ốm, tôi phải ra hiệu thuốc nói rõ triệu chứng để dược sĩ bán ngay các loại thuốc kháng sinh. Mỗi lần như vậy phải uống tới 4-5 ngày. Mỗi khi uống thuốc kháng sinh vào đều có cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ, người nao nao, thậm chí là nghiêng ngả khi đi trên đường. Nhưng không uống lại lâu khỏi nên tôi cũng phải uống. Mỗi lần uống hết thuốc kháng sinh khiến người lả đi, không muốn ăn hoặc ăn không ngon, cơ thể gầy rộc", chị Trang nói.


          Uống thuốc kháng sinh thời gian dài với mong muốn khỏi bệnh nhưng cũng có những người do không có chỉ định bác sĩ nên dẫn đến say thuốc, dị ứng thuốc. Chị Hằng (Nguyễn Du, Hà Nội) chưa hoàn hồn khi kể lại triệu chứng say thuốc sau đợt cảm cúm vừa qua. Theo lời chị Hằng, mỗi khi bị cảm cúm, chị vẫn ra hiệu thuốc gần nhà để mua mà không có hướng dẫn của bác sĩ. Cách đây 2 tuần, khi thấy cơ thể mệt mỏi, viêm họng, chị cũng mua 1 bịch thuốc về uống như thường lệ. Tuy nhiên, sau khi uống, chị cảm thấy rất mệt, đau đầu, thậm chí buồn nôn, người lạnh toát, vã mồ hôi.


        "Sau đó, tôi nghĩ do ăn không được nên mệt nhưng thực ra bị say thuốc. Cả cơ thể lúc nóng, lúc lạnh, người mệt đứ đừ, mặt đỏ như người say rượu. Thấy tôi kêu ca vì quá mệt, cả gia đình đưa đến bệnh viện mới biết bị say thuốc do cơ thể yếu", chị Hằng nhớ lại.

Uống kháng sinh có hại?


         Uống kháng sinh là công cụ hữu hiệu diệt khuẩn, virus trong cơ thể. Tuy nhiên, nó cũng như con dao hai lưỡi. Nếu sử dụng không cẩn thận cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể, thậm chí nguy hiểm tính mạng.


         Uống kháng sinh không đúng cách, kéo dài sẽ gây nên bệnh tật. Đó là bệnh ở gan, thận, tiêu hóa như dạ dày ruột,,, do tiếp xúc trực tiếp với kháng sinh.

 


        Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Lê Đức (Chuyên khoa Tiêu hóa) cho biết, uống thuốc kháng sinh không đúng có thể gây dị ứng (trường hợp nặng là sốc phản vệ dẫn đến tử vong). Loạn khuẩn đường ruột, gây tiêu chảy hoặc rối loạn tiêu hóa. Nhờn thuốc, nguy hiểm hơn là tăng số loại vi khuẩn kháng thuốc. Nhiễm độc phổ biến là hại gan, thận. Nhiễm độc chọn lọc trên bộ phận cơ thể: điếc (streptomycin, gentamycin); đứt gân gót chân (nhóm quinolon); suy tủy dẫn đến tử vong (chloramphenicol); viêm nhiều dây thần kinh (rimifon); hỏng men răng (tetracyclin); mất bạch cầu hạt (sulfamid)...


       Gây lãng phí: Các bệnh do virut không chữa được bằng kháng sinh mà vẫn dùng kháng sinh. Gây khó khăn cho chẩn đoán: bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp mà dùng kháng sinh sẽ làm cho lu mờ các triệu chứng gây khó chẩn đoán.Có khi có tác dụng chữa nhưng lại dễ gây ra phản ứng dị ứng, mẫn cảm thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Sử dụng nhiều kháng sinh và liều cao có khả năng gây suy tủy, nhất là trường hợp sử dụng chloramphenicol nhiều. Một số kháng sinh như streptomycine, kanamycine dùng liều cao có thể gây điếc và suy thận. 

 


      "Lạm dụng kháng sinh làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, kháng thuốc ngày càng nhiều, từ đó việc chữa trị bệnh càng khó khăn. Ngày nay các tụ cầu trùng kháng thuốc cephalosporin càng nhiều. Một số vi khuẩn khác cũng kháng thuốc do đó tác dụng chữa trị của kháng sinh ngày càng hạn chế..", bác sĩ Đức nói.

       Cho nên khi dùng thuốc kháng sinh phải cân nhắc, luôn chú ý tham khảo ý kiến bác sĩ. Tốt nhất uống kháng sinh sau khi có sự thăm khám, dựa theo liều lượng mà bác sĩ đưa ra.
(Theo Báo emdep.vn) 
Tham khảo thêm 1 số bài viết hay về mẹo vặt sức khỏe hay !
  • Làm đẹp và tốt cho sức khỏe với quả gấc 
  • Những thói quen sai lầm khi ăn uống bạn nên biết 
  • Những thói quen khi đáng răng rất gây hại cho sức khỏe của bạn 

0 nhận xét :

Post a Comment

Copyright © 2014 Mẹo vặt cực hay